Viêm mào tinh hoàn (hay viêm mào tinh, tên tiếng Anh là epididymitis) là một bệnh lý ở cơ quan sinh dục nam. Tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng viêm mào tinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, trường hợp nặng nhất có thể gây vô sinh. Vậy viêm mào tinh là gì ? Nguyên nhân và triệu chứng ra sao ? Cách điều trị như thế nào ? Hãy cùng theo dõi bài viết phía dưới.

Viêm mào tinh là gì ?
Viêm mào tinh hoàn là tình trạng viêm nhiễm của mào tinh hoàn. Mào tinh hoàn là một ống nằm ở phía sau của tinh hoàn có chức năng lưu trữ và vận chuyển tinh trùng. Khi bộ phận này bị viêm, nó có thể gây đau và khiến cho tinh hoàn bị sưng.

Tình trạng viêm mào tinh hoàn có thể xuất hiện ở nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở độ tuổi từ khoảng 20 đến 39 tuổi.

Viêm mào tinh hoàn được chia thành hai nhóm: viêm mào tinh hoàn cấp tính và viêm mào tinh hoàn mãn tính


  • Viêm mào tinh hoàn cấp tính: Viêm mào tinh hoàn cấp tính kéo dài sáu tuần hoặc ít hơn. Trong hầu hết các trường hợp viêm mào tinh hoàn cấp tính, tinh hoàn cũng bị viêm. Do đó, khó phân biệt được người bệnh bị viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn hoặc thậm chí có khả năng người bệnh đều bị viêm nhiễm cả hai bộ phận trên. Theo các chuyên gia y tế, bệnh lậu và bệnh Chlamydia là những nguyên nhân phổ biến nhất ở nam giới từ 35 tuổi trở xuống.

  • Viêm mào tinh hoàn mạn tính: khác với viêm mào tinh hoàn cấp tính, các triệu chứng của viêm mào tinh mạn tính thường sẽ kéo dài trên 6 tuần. Người bệnh sẽ cảm thấy đau và khó chịu ở bìu, tinh hoàn và mào tinh hoàn. Nguyên nhân có thể do phản ứng tạo u hạt, sau đó hình thành nang hoặc vôi hoá trong mào tinh.


Viêm mào tinh hoàn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị Viem-mao-tinh-hoan-1Tình trạn viêm mào tinh hoan và viêm tinh hoàn có thể xuất hiện cùng lúc
Triệu chứng của viêm mào tinh hoàn
Viêm mào tinh hoàn có thể chỉ bắt đầu với một số triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, khi không được điều trị kịp thời, các triệu chứng sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Một số triệu chứng của viêm mào tinh hoàn là:


  • Người bệnh thường bị sốt nhẹ

  • Có cảm giác ớn lạnh

  • Bị đau ở vùng chậu

  • Bị đau tức ở tinh hoàn

  • Bìu bị nóng và sưng đỏ lên

  • Nổi hạch ở bẹn

  • Đau khi quan hệ tình dục và xuất tinh

  • Đau khi đi vệ sinh

  • Người bệnh thường xuyên rơi vào trạng thái đi tiểu gấp, tiểu lắt nhắt

  • Dương vật tiết dịch bất thường

  • Xuất hiện máu trong tinh dịch


Nguyên nhân của viêm mào tinh hoàn
Nguyên nhân của viêm mào tinh hoàn chính là sự xâm nhập của những loại vi trùng, virus lây lan qua đường tình dục, đặc biệt là bệnh lậu hoặc bệnh chlamydia.

Tuy nhiên, tình trạng viêm mào tinh hoàn cũng có thể do sự viêm nhiễm ở các bộ phận khác không liên quan đến những bệnh lý lây qua đường tình dục, chẳng hạn như từ viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc là viêm tuyến tiền liệt.

Nhìn chung, những yếu tố gia tăng nguy cơ gây bệnh ở một số người sẽ là:


  • Quan hệ tình dục không an toàn

  • Gặp vấn đề về cấu trúc đường tiết niệu

  • Không cắt bao quy đầu, dễ gặp phải tình trạng viêm nhiễm bao quy đầu

  • Những người bị lao phổi

  • Phì đại tuyến tiền liệt gây tắc nghẽn bàng quang

  • Những người vừa mới trải qua phẫu thuật đường tiết niệu

  • Chấn thương ở háng

  • Những người phải sử dụng ống thông tiểu cũng có nguy cơ bị viêm mào tinh hoàn

  • Sử dụng amiodarone trong điều trị bệnh lý tim mạch


Chẩn đoán viêm mào tinh hoàn
Các bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát người bệnh. Sau đó bác sĩ sẽ thăm khám tinh hoàn có sưng không, có hạch vùng bẹn không và dương vật có tiết dịch bất thường không. Nếu có tình trạng tiết dịch bất thường, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch bằng tăm bông và làm xét nghiệm xem người bệnh có mắc bệnh lây qua đường quan hệ tình dục không.

Sau đó, các bác sĩ có thể thực hiện các thăm khám khác như :


  • Kiểm tra trực tràng xem người bệnh có bị phì đại tuyến tiền liệt hay không.

  • Xét nghiệm máu: Các bác sĩ sẽ kiểm tra liệu người trong máu của bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng hay không.

  • Xét nghiệm nước tiểu: phương pháp này sẽ giúp bác sĩ kiểm tra có nhiễm trùng đường tiết niệu của người bệnh không ?


Các chẩn đoán hình ảnh như CT hay chụp MRI có thể được thực hiện để loại trừ các bệnh lý khác. Các phương pháp này tạo ra hình ảnh chi tiết cho phép bác sĩ nhìn thấy các cấu trúc trong cơ thể một cách rõ ràng.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu siêu âm tinh hoàn để xem xét hình ảnh của tinh hoàn và các mô xung quanh ở trong bìu.

Điều trị viêm mào tinh hoàn
Để điều trị viêm mào tinh hoàn thành công, mục tiêu là loại bỏ tình trạng viêm nhiễm và giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng là:


  • Sử dụng thuốc kháng sinh từ 4 đến 6 tuần trong trường hợp viêm mào tinh hoàn mạn tính theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc kháng sinh được sử dụng là doxycycline và ciprofloxacin

  • Sử dụng thuốc giảm đau làm giảm bớt các cơn đau cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định thuốc: ibuprofen, codeine hoặc là morphine.

  • Thuốc kháng viêm cũng có thể được sử dụng trong điều trị viêm mào tinh hoàn là: piroxicam hay ketorolac.

  • Khuyến khích bệnh nhân nghỉ ngơi


Nếu tình trạng áp xe tinh hoàn tiến triển, bác sĩ có thể chọc hút mủ bằng kim hoặc phẫu thuật.

Phẫu thuật là một lựa chọn khác nếu không có phương pháp điều trị nào thành công. Phẫu thuật sẽ loại bỏ toàn bộ hoặc một phần của mào tinh hoàn. Phẫu thuật cũng có thể nhằm giúp các bác sĩ điều trị những bệnh lý liên quan có thể gây ra viêm mào tinh hoàn.

Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh.

Kết luận
Viêm mào tinh hoàn có thể gây vô sinh ở nam giới. Do đó, người bệnh cần tìm đến các bác sĩ nam khoa uy tín nếu cảm thấy bản thân có những triệu chứng bất thường.

Một số bác sĩ có thể khám và điều trị viêm mào tinh hoàn

  • Thạc sĩ, Bác sĩ Trang Võ Anh Vinh, gần 10 năm kinh nghiệm, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

  • Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Vũ Tân, gần 10 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

  • Thạc sĩ bác sĩ trà anh duy, hơn 10 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam




Bài viết được tham khảo bác sĩ nam khoa Lê Vũ Tân và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.