Thận ứ nước ở trẻ sơ sinh là bệnh lý hay gặp ngày nay. Tuy nhiên vì trẻ còn quá nhỏ dẫn đến ba mẹ bé chủ quan không phát hiện sớm. Các bậc phụ huynh hãy đọc bài viết dưới đây để nắm thêm thông tin, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh sau này nhé!


THẬN Ứ NƯỚC Ở TRẺ SƠ SINH
Thận ứ nước ở trẻ sơ sinh là tình trạng thận của trẻ không đào thải được nước tiểu đến bàng quang, điều này làm tắc nghẽn mạch máu trong thận làm cho thận của trẻ bị sưng và giãn dẫn đến tổn thương thận.

Thận ứ nước ở trẻ sơ sinh

Trong đa số trường hợp xảy ra, chỉ có một quả thận bị ảnh hưởng được gọi là thận ứ nước một bên và thường không gây ra các vấn đề nghiêm trọng vì quả thận còn lại kia vẫn sẽ hoạt động bình thường. Tuy nhiên nếu cả hai quả thận đều bị ứ nước thì sự việc sẽ nghiêm trọng hơn. Lúc này sẽ nguy hiểm hơn cho cơ thể của trẻ sơ sinh bởi cơ thể không thể loại trừ các chất thải thông qua việc sản xuất nước tiểu của thận được.



NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN THẬN Ứ NƯỚC Ở TRẺ SƠ SINH
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thận ứ nước ở trẻ sơ sinh. Mà nguyên nhân phổ biến nhất chính là sự tắc nghẽn trong đường tiết niệu. Có thể do tắc nghẽn giữa thận và niệu quản hoặc giữa niệu quản và bàng quang. Trường hợp nhân đôi niệu quản, khi có hai niệu quản nối một trong hai thận với bàng quang. Khi đó, đầu dưới của một trong các niệu quản này có khả năng cao sẽ bị tắc nghẽn. Tình trạng này xảy ra ở 1% trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân gây ra thận ứ nước ở trẻ sơ sinh

Một nguyên nhân khác nữa là thận loạn sản đa nang, xảy ra khi thận hình thành không giống như bình thường. Quả thận này không thể hoạt động như bình thường do bên trong nó chứa một lượng lớn các u nang.
Trào ngược niệu quản cũng là một trong các nguyên nhân của bệnh thận ứ nước ở trẻ sơ sinh. Nó xảy ra khi van ở niệu quản đổ vào bàng quang không hoạt động bình thường. Lúc này nước tiểu sẽ di chuyển ngược lên niệu quản và đến thận mà không có yếu tố nào ngăn nó lại.
Ngoài ra, nguyên nhân do di truyền cũng là một trong các lý do gây bệnh thận ứ nước ở trẻ sơ sinh.


LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC TRẺ SƠ SINH ĐANG MẮC BỆNH THẬN Ứ NƯỚC?
Siêu âm thai
Thận ứ nước ở trẻ sơ sinh có thể được phát hiện ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ thông qua chẩn đoán trước khi sinh bằng phương pháp siêu âm trong thai kỳ. Các bác sĩ có thể ghi nhận những yếu tố bất thường về kích thước thận, tình trạng nước ối cũng như thận bị ứ nước. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu tầm soát thêm các yếu tố khác và theo dõi sức khỏe thai kỳ của người mẹ.

Siêu âm thai giúp chẩn đoán thận ứ nước ở trẻ sơ sinh


Các phương pháp khác
Sau khi trẻ được sinh ra, các phương pháp dưới đây sẽ được tiến hành để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh thận ứ nước ở trẻ sơ sinh để có biện pháp điều trị phù hợp.
– Siêu âm thận (RUS): Xác định lại hệ thống thận và tình trạng thận ứ nước.
– Chụp X-quang bàng quang và niệu đạo khi tiểu (VCUG): Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào bàng quang của trẻ rồi truyền chất lỏng qua ống vào bàng quang. Chất lỏng sẽ xuất hiện trên X-quang khi bàng quang được làm đầy và khi bé tiểu. Phương pháp này dùng để loại trừ hiện tượng trào ngược bàng quang - niệu quản. Khi không có hiện tượng bị trào ngược bàng quang niệu quản sẽ được chỉ định chụp CT - scan niệu thận để lượng giá chức năng thận và xác định mức độ tắc nghẽn niệu quản cũng như mức độ thận ứ nước ở trẻ sơ sinh.
– Chụp cắt lớp hạt nhân thận (MAG 3): Bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ vào máu của bé và so sánh chức năng của cả hai quả thận, cũng như xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
– Các xét nghiệm máu cơ bản khác.



Nguồn: https://dakhoamientrung.vn/than-u-nuoc-o-tre-so-sinh-ba-me-khong-nen-chu-quan.html

Thông tin liên hệ: Đa khoa miền Trung