1. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng bị vô hiệu trong trường hợp nào?
Theo Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệunhư sau:

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

"Điều 42. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan."

Như vậy, theo quy định nêu trên nếu vợ chồng cô bạn thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ thì thỏa thuận sẽ bị vô hiệu.

2. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu theo quy định pháp luật
Tại Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu:

- Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;

c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

- Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn khoản 1 Điều này.

chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

3. Hình thức của thỏa thuận phân chia tài sản chung
Không phải trong mọi trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng đều phải công chứng mà chỉ khi:

- Khi vợ chồng có yêu cầu;

- Khi quy định pháp luật bắt buộc công chứng.

Tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký, việc chia tài sản chung vợ chồng chỉ có hiệu lực khi tài sản được đăng ký.

Do đó, trường hợp tài sản chung là bất động sản, động sản phải đăng ký, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng buộc phải công chứng, chứng thực.

Để đảm bảo tính hợp pháp của giao dịch (thỏa thuận) chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác liên quan đến quan hệ tài sản của vợ chồng, Điều 42 chỉ rõ các trường hợp thỏa thuận vô hiệu (không có hiệu lực từ thời điểm giao kết)

4. Khi nào được chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?
Theo Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

- Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Hình thức của thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.

- Kể từ ngày thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 của Luật này. Phần tài sản mà vợ, chồng đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

- Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.

5. Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố văn bản phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vô hiệu
Theo Khoản 8 Điều 29 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015) quy định yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận chia tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo điểm b, khoản 2 Điều 35 và điểm b, điểm t khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015 thì Toàn án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu có thẩm quyền giải quyết yêu cầu này.

6. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định pháp luật
Căn cứ Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

- Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

- Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

- Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

7. Trình tự thủ tục yêu cầu
7.1. Yêu cầu giải quyết việc dân sự
Việc dân sự phát sinh do các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền yêu cầu của mình bằng việc nộp đơn theo theo mẫu số 92-DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP trực tiếp tại tòa án có thẩm quyền hoặc gửi đơn qua đường bưu điện. Nội dung đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự phải ghi được đầy đủ, rõ ràng những vấn đề cơ bản theo quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, người yêu cầu giải quyết việc dân sự phải gửi kèm theo đơn yêu cầu các chứng cứ, tài liệu cần thiết.

7.2. Thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
Theo quy định tại Điều 363 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thủ tục thụ lý việc dân sự để đảm bảo cho việc giải quyết việc dân sự được thực hiện như sau:

Thủ tục nhận đơn yêu cầu:
Thủ tục nhận đơn yêu cầu được thực hiện tương tự như thủ tục nhận đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015).

Xử lý đơn yêu cầu:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, chánh án tòa án phân công thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu. Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu sẽ kiểm tra đơn yêu cầu về cả nội dung và hình thức.

Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung, thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 193 BLTTDS 2015. Trường hợp người yêu cầu đã thực hiện đầy đủ thì tiến hành thủ tục thụ lý việc dân sự. Hết thời hạn quy định mà không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì thẩm phán trả lại đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Trong trường hợp có tranh chấp về chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, vợ/ chồng có thể làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Nội dung đơn khởi kiện đảm bảo theo Điều 189 BLTTDS 2015, hình thức: theo mẫu số 23-DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP. Theo khoản 2 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền thụ lý giải quyết.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi liên quan đến Các trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu. Quý khách hàng có những thắc mắc, yêu cầu khác vui lòng liên hệ Tia Sáng Law theo thông tin sau:

8. Thông tin liên hệ
Công ty Luật TNHH MTV TIA SÁNG

Địa chỉ: Phòng 2.3, tầng 2 tòa nhà Indochina. Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. ĐaKao, Q.1, TP. HCM

Phone: 0989.072.079 | 0906.219.287

Email: tiasanglaw@gmail.com